Các chiêu lừa đảo tuyển dụng trên mạng đang trở thành mối lo ngại đối nhiều người làm freelancer nói riêng và người lao động tìm việc làm online nói chung. Những công việc "lương cao, việc nhẹ" thường đi kèm với những rủi ro không ngờ tới. Trong bài viết này, hãy cùng Skijan tìm hiểu những dấu hiệu lừa đảo trong tuyển dụng và cách phòng tránh.
Các chiêu lừa đảo tuyển dụng trên mạng ngày càng nhiều với hình thức tinh vi
Với sự phát triển của Internet, người lao động ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng tìm việc online. Điều này mở ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo tận dụng các kênh tuyển dụng online để tiếp cận nhiều nạn nhân một cách dễ dàng hơn.
Lợi dụng xu hướng kiếm việc online, những cá nhân và tổ chức lừa đảo thường đánh vào tâm lý người lao động đang cần tìm việc gấp, ít cẩn thận trong việc kiểm tra thông tin tuyển dụng. Vì vậy, họ dễ dàng bị thu hút bởi những lời hứa hẹn việc làm online tại nhà không cần kinh nghiệm, việc nhẹ lương cao, làm tăng nguy cơ bị rơi vào bẫy.
Công nghệ ngày càng phát triển và tiếp cận được nhiều người, những kẻ lừa đảo sử dụng các công nghệ này để tạo ra các thông tin, website giả mạo. Không dừng lại ở đó, chúng còn tạo các email công ty trông có vẻ chuyên nghiệp, và thậm chí là hồ sơ tuyển dụng giả để có được lòng tin của người lao động.
Không chỉ tràn lan tại các cộng đồng trên các mạng xã hội, các tin tuyển dụng lừa đảo còn xuất hiện trên các website tuyển dụng. Một số nền tảng việc làm chưa có quy trình kiểm duyệt khắt khe, dẫn đến việc các tin tuyển dụng vẫn được đăng tải và tiếp cận được người tìm việc làm online. Vì vậy, bạn cần trang bị đủ kiến thức nhận biết lừa đảo việc làm để tìm việc làm an toàn.
Với sự phát triển của internet, các hình thức lừa đảo tuyển dụng online ngày càng tinh vi hơn.
5 dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng và cách phòng tránh
1. Yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước khi nhận việc
Hãy cẩn thận với những nhà tuyển dụng yêu cầu bạn chuyển tiền cho các mục đích như "phí đào tạo", "phí đặt cọc", “phí đồng phục” hoặc “phí đảm bảo vị trí”. Một số kẻ còn cam kết rằng khoản tiền này sẽ được hoàn lại sau khi bạn nhận việc, nhằm giảm sự nghi ngờ và khiến bạn dễ dàng đồng ý. Ngoài ra, để tăng sự gấp rút và đảm bảo bạn không có thời gian suy nghĩ kỹ, những “nhà tuyển dụng” giả thường sẽ nói số lượng công việc có hạn và yêu cầu bạn đóng tiền trong thời gian ngắn để không bị mất suất làm việc.
Cách phòng tránh:
- Tuyệt đối không chuyển tiền. Các nhà tuyển dụng uy tín sẽ không bao giờ yêu cầu ứng viên đóng phí trước khi nhận việc.
- Kiểm tra kỹ thông tin công ty qua Google, website chính thức hoặc hỏi thông tin từ các cộng đồng việc làm trên mạng xã hội.
2. Thông tin công ty mơ hồ
Dấu hiệu nhận biết:
- Thiếu địa chỉ hoặc sử dụng địa chỉ giả.
- Công ty không có website chính thức hoặc website nhìn không chuyên nghiệp.
- Email dùng để liên lạc là email cá nhân (@gmail.com) thay vì email công ty (VD: @tencongty.com)
Cách phòng tránh:
- Tìm thêm thông tin công ty trên Google, LinkedIn hoặc các trang tuyển dụng uy tín. Đừng quên đọc đánh giá từ những người đã làm việc hoặc ứng tuyển tại đây.
- Tra cứu thông tin doanh nghiệp trên các cổng thông tin điện tử chính thức.
- Dùng Google Maps để kiểm tra địa chỉ công ty, đảm bảo đó là một văn phòng hoạt động thật.
3. Công việc không cần kinh nghiệm, việc nhẹ lương cao
Các HR giả thường tận dụng tâm lý muốn có việc nhanh, việc làm không cần kinh nghiệm lương cao để đưa ra các lời mời đầy hấp dẫn nhưng vô cùng rủi ro.
Bạn cần cẩn thận với những công việc có:
- Mức lương vượt xa so với mặt bằng chung nhưng mô tả công việc quá dễ dàng.
- Công việc không cần bằng cấp, kinh nghiệm hoặc chuyên môn. Các việc làm online tại nhà chỉ yêu cầu bạn có thời gian rảnh hoặc biết sử dụng internet.
Cách phòng tránh:
- Kiểm tra mức lương trung bình của ngành nghề bạn đang ứng tuyển. Nếu mức lương HR đưa ra quá cao so với thị trường, hãy đặt dấu chấm hỏi.
- Tra cứu, tìm kiếm thông tin công ty trên các công cụ tìm kiếm.
- Khi tìm việc làm, hãy giữ một cái đầu lạnh để không bị cuốn theo những lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng, hoặc việc nhẹ lương cao.
4. Yêu cầu thông tin nhạy cảm
Đây là một trong những “red flag” rõ ràng nhất cần cảnh giác khi bạn tìm việc làm online. Những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng những thông tin này của bạn cho các mục đích xấu.
Hãy cảnh giác với những nhà tuyển dụng có các dấu hiệu sau:
- Yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm như số CCCD/CMND, thông tin hộ khẩu, mã số thuế hoặc ảnh chụp giấy tờ cá nhân. Các thông tin này có thể bị sử dụng để làm giả hồ sơ vay tín dụng hoặc thực hiện các hành vi bất hợp pháp.
- Đòi hỏi thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP dưới danh nghĩa trả lương hoặc xác nhận danh tính.
- Yêu cầu bạn điền thông tin cá nhân vào các biểu mẫu từ các đường dẫn đáng ngờ.
- Kẻ lừa đảo sử dụng ngôn ngữ ép buộc, và tạo áp lực tâm lý, khiến bạn cảm thấy nếu không cung cấp những thông tin này thì bạn sẽ mất cơ hội làm việc.
Cách phòng tránh:
- Xác minh độ uy tín của nhà tuyển dụng
- Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm cho bất kỳ ai trên mạng. Nhà tuyển dụng uy tín chỉ yêu cầu thông tin cá nhân sau khi bạn đã được nhận làm việc và các thông tin này được sử dụng để hoàn thiện hợp đồng lao động.
- Không truy cập vào những đường link lạ, không an toàn. Nếu cần điền thông tin cá nhân online, bạn hãy chắc chắn website đó sử dụng giao thức bảo mật https và có nguồn gốc đáng tin cậy.
5. Công việc được đăng tải khác với công việc được trao đổi
Khi nhà tuyển dụng đăng tải một mô tả công việc cụ thể, nhưng trong quá trình phỏng vấn hoặc trao đổi, bạn nhận thấy các yêu cầu, trách nhiệm, hoặc mô tả công việc thay đổi đáng kể, đây có thể là dấu hiệu của một công ty không minh bạch.
Một số dấu hiệu bạn cần cảnh giác như:
- Tin tuyển dụng mô tả một công việc chuyên môn hoặc hấp dẫn, nhưng khi trao đổi lại biến thành công việc đơn giản, không liên quan, hoặc mang tính chất ép buộc.
- Nội dung công việc chuyển từ công việc chuyên môn sang bán hàng đa cấp, tiếp thị qua điện thoại, hoặc các công việc không rõ ràng.
- Mức lương hoặc chế độ đãi ngộ không khớp với thông tin đã đăng tải.
- Không cung cấp thông tin rõ ràng. Nhà tuyển dụng né tránh trả lời câu hỏi về trách nhiệm công việc, mức lương, hợp đồng lao động, hoặc các thông tin cụ thể.
Cách phòng tránh:
- Kiểm tra và xác minh kỹ thông tin tuyển dụng.
- Không chấp nhận công việc khi chưa có hợp đồng lao động hoặc văn bản cam kết. Đồng thời, đọc kỹ các điều khoản trước khi kí, đặc biệt là các điều khoản về chi phí hoặc ràng buộc.
- Không đóng bất kỳ chi phí nào trước khi làm việc.
- Tránh xa các tin tuyển dụng online không rõ nguồn gốc hoặc đăng tải
Luôn kiểm tra và xác minh kỹ thông tin nhà tuyển dụng trước khi ứng tuyển
Việc nhận biết các chiêu lừa đảo tuyển dụng trên mạng là kỹ năng quan trọng giúp bạn bảo vệ bản thân trước những rủi ro khi tìm việc online. Hãy luôn kiểm tra kỹ thông tin nhà tuyển dụng, không cung cấp thông tin nhạy cảm và tránh những lời mời gọi quá hấp dẫn. Quan trọng hơn, hãy sử dụng các nền tảng tuyển dụng uy tín để tìm kiếm công việc. Sự cẩn trọng và tỉnh táo sẽ giúp bạn tránh xa các bẫy tuyển dụng và tìm được công việc phù hợp một cách an toàn và hiệu quả.
Câu hỏi thường gặp
1. Tôi nên làm gì nếu bị lừa đảo tuyển dụng?
Bạn hãy ngừng giao dịch và báo cáo với cơ quan chức năng.
2. Làm sao tìm hiểu và xác minh thông tin nhà tuyển dụng?
Kiểm tra thông tin doanh nghiệp trên các trang báo chính thống, cổng thông tin điện tử, hoặc đọc các đánh giá từ Google, LinkedIn.
3. Có nên báo cơ quan chức năng khi phát hiện các công ty lừa đảo tuyển dụng?
Có. Việc báo cáo là rất cần thiết để bảo vệ bản thân, cộng đồng và ngăn chặn những hành vi lừa đảo này. Bạn có thể thông báo trực tiếp cho cơ quan chức năng hoặc trình báo online trên các trang phản ánh lừa đảo như chongluadao.vn.
Bình luận(0)